Trang chủ / Văn Học Nước Ngoài 4
phia tay khong co gi la
 

Phía Tây không có gì lạ

Erich Maria Remarque

20 triệu bản, in bằng 50 thứ tiếng - đó là một trong những tiểu thuyết lớn nhất của văn học thế giới: Phía Tây không có gì lạ của nhà văn Đức Erich Maria Remarque. Cuối tuần qua, giới văn học Đức đã kỷ niệm tròn 80 năm ngày ra đời của tác phẩm văn học bất hủ này.
Ngày 31/1/1929, một nhà văn Đức 30 tuổi có tên là Erich Maria Remarque bất ngờ trở nên nổi tiếng khi nhà xuất bản Propylaeen cho ra mắt một cuốn tiểu thuyết có cái tên khá lạnh lùng: Phía Tây không có gì lạ.

Giờ đây tiểu thuyết đó đã được xếp vào số những tác phẩm văn học Đức ăn khách nhất thế giới, với lượng phát hành đã lên tới 20 triệu cuốn, in bằng 50 thứ tiếng. Thậm chí nó được coi là “cuốn tiểu thuyết phản chiến của thế kỷ 20”. Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, anh lính trẻ Paul Baeumer, sau những ngày tháng kinh hoàng trên chiến trường cuối cùng đã ngã xuống và đoạn kết của cuốn sách là: “Anh ta chết tháng mười, năm 1918, trong một ngày khắp cả mặt trận yên tĩnh, đến nỗi bản báo cáo quân đội chỉ ghi vắn tắt một dòng: Phía Tây không có gì lạ để thông báo”.
Với cái kết đó, tác phẩm của Remarque đã nói được hết sự vô nghĩa của chiến tranh. Ông viết tác phẩm này dựa trên trải nghiệm của chính mình cũng như của các đồng đội khi họ phải ra chiến trận trong Thế chiến I.
Vừa ra đời, Phía Tây không có gì lạ đã gây một tiếng vang hiếm thấy không chỉ ở Đức, một nước mà thời ấy có hàng triệu người vẫn chưa thoát khỏi những hồi ức chiến tranh khủng khiếp: Người ta ca ngợi cuốn tiểu thuyết là “một tượng đài cho mọi người lính vô danh đã hy sinh”, là “bản di chúc của tất cả những người đã ngã xuống trên chiến trường”… Nhà viết kịch Carl Zuckmayer đánh giá Phía Tây không có gì lạ là một cuốn tiểu thuyết “sẽ được đọc mãi trong mọi thời đại”; còn nhà văn Leonhard Frank quả quyết một tác phẩm như vậy “một trăm năm mới có 1 lần”.

Dĩ nhiên lực lượng Quốc xã đang nổi lên không nghĩ như vậy. Chúng cho rằng cuốn tiểu thuyết đã bôi nhọ hình ảnh những người lính Đức anh hùng. Ngay sau khi lên nắm quyền năm 1933, bọn Quốc xã đã đưa ngay Phía Tây không có gì lạ vào danh sách những cuốn sách cần phải đốt sạch. Nhưng tất cả đã quá muộn: Ngay thời ấy, Phía Tây không có gì lạ đã được dịch và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới.
Bị tước quốc tịch Đức, Erich Maria Remarque, sinh năm 1898, phải rời khỏi tổ quốc, lưu vong sang Mỹ và qua đời năm 1970 ở Thụy Sĩ. Trong số những tác phẩm viết sau này của ông đáng kể nhất còn có Ba người bạn, Một thời để sống - Một thời để chết, Khải hoàn môn…
Trong những cuộc trả lời phỏng vấn sau này của mình, Remarque không bao giờ ảo tưởng về khả năng cuốn tiểu thuyết của ông có thể góp phần thay đổi được suy nghĩ của nhân loại, đặc biệt là các chính khách, đối với chiến tranh. Thậm chí ông có vẻ bi quan về chuyện đó. Có lần ông nói: “Tôi luôn đinh ninh rằng ai cũng ghét chiến tranh, cho đến khi tôi phát hiện ra là cũng có người thích nó, nhất là những người không phải ra chiến trường”. Thực tế là ngay sau Thế chiến I, loài người còn phải trải qua một cuộc chiến tranh còn khủng khiếp hớn, đó là Thế chiến II. Và kể từ đó tới nay, thế giới còn phải chứng kiến 180 cuộc chiến tranh lớn nhỏ khác.

N.Đ
Nguồn: Thể Thao & Văn Hóa

Tải về

http://www.mediafire.com/?lnjmmdzymyg

Chia sẻ tới các bạn bởi Dulitruc